Con người ra quyết định như thế nào Các nguyên lý của kinh tế học

Nền kinh tế không có gì là bí hiểm cả, xét cho cùng, khái niệm này được dùng để chỉ "một nhóm người tác động qua lại với nhau trong cuộc đấu tranh sinh tồn". Quy cho cùng, thì hoạt động của nền kinh tế chẳng qua chỉ là tác động tổng hợp hoạt động của các cá nhân cấu thành nền kinh tế.

Nguyên lý 1: Con người đối mặt với sự đánh đổi

"Mọi thứ đều có giá" - Để có được một thứ ưa thích, người ta phải bỏ ra một thứ khác mà mình thích. Nói cách khác, quá trình ra quyết định đòi hỏi phải đánh đổi một mục tiêu nào đó để đạt được mục tiêu khác.

Ví dụ 1: Một sinh viên đứng trước một quyết định phân bổ nguồn lực quý báu của mình là thời gian. Anh ta có thể dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu môn kinh tế học, hoặc dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu môn tâm lý học, và hoặc là phân chia thời gian giữa hai môn học đó. Để có một giờ học môn này, anh ta phải từ bỏ một giờ học môn kia. Để có một giờ học một trong hai môn kia, anh ta phải từ bỏ một giờ đi chơi, xem ca nhạc hoặc đi làm để kiếm thêm thu nhập.

Ví dụ 2: Về chi tiêu của một gia đình nhiều thế hệ, họ có thể mua thực phẩm, hoặc quần áo, hoặc đưa cả nhà đi nghỉ. Họ cũng có thể tiết kiệm một phần thu nhập cho lúc về già, hoặc cho con cái vào học đại học. Khi quyết định chi tiêu thêm một đồng cho một trong các sản phẩm nêu trên, họ mất đi một đồng để chi cho sản phẩm khác.

Khi con người tập hợp lại thành xã hội, Chính phủ phải đối mặt với nhiều loại đánh đổi. Trong cuốn "Kinh tế học" của tác giả Paul Anthony Samuelson (15/5/1915-13/12/2009) - một nhà kinh tế học người Hoa Kỳ, đại biểu của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp tổng hợp và có đóng góp to lớn ở một loạt lĩnh vực của kinh tế học - đưa ra sự đánh đổi giữa "Súng và bơ". Khi tăng chi tiêu cho quốc phòng để tăng khả năng phòng thủ đất nước (mua thêm súng), Chính phủ phải từ bỏ một phần tiêu dùng (một phần bơ), và như vậy mất đi cơ hội nâng cao mức sống của nhân dân.

Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là thứ mà bạn phải từ bỏ để có được nó

Sự đánh đổi liên quan đến lợi ích và tổn thất, vì vậy trong quá trình ra quyết định, ta thường so sánh giữa chi phí và lợi ích của các cách hành động khác nhau. Cái khó ở đây là trong nhiều trường hợp, chi phí của một số hành động không phải lúc nào cũng rõ ràng như khi mới nhìn qua.

Ví dụ, việc quyết định đi học đại học; Ích lợi của cách hành động này là giàu thêm kiến thức và có cơ hội có được công việc làm tốt hơn trong suốt cả cuộc đời. Thế còn chi phí của nó là gì? Nó chính là tổng cộng các khoản tiền phải trả để có được việc học hành này (học phí, tài liệu, sinh hoạt phí,...). Nhưng tổng số tiền đó thực sự chưa phải là toàn bộ những gì bạn phải từ bỏ để theo học đại học.

Ví dụ trên cho thấy:

  1. Thứ nhất, nó bao gồm cả những thứ không thực sự là chi phí cho việc học đại học. Kể cả không phải học đại học, người ta vẫn phải chi phí sinh hoạt, vẫn phải chi cho ăn uống, chỗ ở. Tiền ăn uống ở trường đại học chỉ trở thành chi phí cho việc học đại học khi nó cao hơn ở những nơi khác. Cũng có khi, sinh hoạt phí ở trường đại học có thể rẻ hơn những nơi khác - Trường hợp này, số tiền tiết kiệm được trở thành ích lợi cho việc học đại học.
  2. Thứ hai, nó bỏ qua khoản chi phí lớn nhất cho việc học đại học là thời gian của việc học. Khi dành một khoảng thời gian để nghe giảng, đọc tài liệu và viết tiểu luận, người ta không thể sử dụng nó để làm việc khác. Nhiều người hiểu rằng tiền lường phải từ bỏ do không đi làm để đi học đại học là khoản chi phí lớn nhất cho việc học đại học.

Chi phí cơ hội của một thứ là thứ mà bạn phải từ bỏ để có được nó. Khi quyết định bất kỳ việc gì (chẳng hạn đi học đại học), người ra quyết định phải xem xét đến chi phí cơ hội gắn với các hành động có thể thực hiện. Chi phí cơ hội của các vận động viên thể thao ở lứa tuổi sinh viên có thể rất cao - họ có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu bỏ học, để chơi các môn thể thao nhà nghề. Đương nhiên, mọi người hiểu rằng, ích lợi của việc học đại học là quá nhỏ so với chi phí.

Nguyên lý 3: Con người hành động hợp lý suy nghĩ tại điểm cận biên

Xem thêm: Chi phí biên

Các quyết định trong cuộc sống hiếm khi được đưa ra dưới dạng có hoặc không, mà thường là dưới dạng tăng thêm hay giảm đi một lượng nào đó. Khi đến giờ ăn tối, bạn phải đối mặt không phải là ăn hay không ăn, mà là có nên ăn thêm một ít cơm hoặc thức ăn không. Khi kỳ thi đến, vấn đề không phải là bỏ mặc bài vở hay học 24 giờ một ngày, mà là nên học thêm một tiếng nữa hay dừng lại để lên mạng Wikipedia. Các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ thay đổi cận biên để chỉ những điều chỉnh nhỏ và tăng dần trong kế hoạch hành động hiện tại. Cận biên có nghĩa là lân cận một cái gì đó và bởi vậy thay đổi cận biên là những điều chỉnh ở vùng lân cận.

Nhiều trường hợp, mọi người đưa ra được quyết định tối ưu nhờ tính đến điểm cận biên; bằng cách so sánh ích lợi cận biên và chi phí cận biên.

Các cá nhândoanh nghiệp có thể đưa ra quyết định tốt hơn nhờ cách suy nghĩ ở điểm cận biên. Con người hành động hợp lý chỉ quyết định tăng thêm hành động khi thấy ích lợi cận biên còn cao hơn chi phí cận biên.

Nguyên lý 4: Con người đáp lại các kích thích

Xem thêm: Chi phí

Con người ra các quyết định dựa trên sự so sánh chí phí và ích lợi, nên hành vi của họ có thể thay đổi khi chi phí, ích lợi hoặc cả hai thay đổi. Nghĩa là, con người đáp lại các kích thích. Ví dụ, khi giá bưởi tăng, mọi người quyết định ăn ít bưởi hơn, vì chi phí cho việc mua bưởi đã tăng lên. Đồng thời người nông dân trồng bưởi thuê thêm lao động và thu hoạch nhiều bưởi hơn vì lợi nhuận thu được từ bán bưởi tăng lên. Chúng ta thấy, tác động của giá cả lên hành vi của người muangười bán trên thị trường, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu phương thức vận hành của nền kinh tế.